John Wick đang bị săn đuổi bởi một Hợp đồng Mở với giá trị tiền thưởng $14 triệu cho mạng sống của mình khắp thế giới, và bởi vì đã phá luật chơi: giết người ngay trong lãnh địa của Continental Hotel.
Vẫn là những pha cận chiến, đấu súng mãn nhãn, nhưng “John Wick 3”có vẻ như đã chạm tới giới hạn trong thể loại hành động của mình.
Tiếp nối thành công của hai phần John Wick trước đó, lần này Ông Kẹ (Keanu Reeves) bị cả thế giới cùng săn đuổi khi chính thức bị Hội đồng tối cao khai trừ, treo giò và treo cả giải thưởng cho ai hạ sát được Wick. Hãy cùng SAOstar review đánh giá nhận xét bộ phim John Wick 3 nhé.
Vẫn theo phong cách chiến đấu bạo lực thường thấy, John Wick 3: Parabellum đem đến những màn cận chiến và đấu súng đẹp mắt, hài hước.
Tuy nhiên, giống như hành động bắn chết người trong khách sạn Continental đã để lại hậu quả về lâu về dài thì việc mở rộng vũ trụ John Wick cũng đã làm lộ ra những điểm yếu mà thương hiệu hành động đỉnh cao này mắc phải.
Đến cuối phần 2, nhân vật chính của chúng ta có một tiếng đồng hồ để chạy thoát trước khi Lệnh Thanh Trừng được mở ra và các hợp đồng thanh toán được gửi cho thế giới ngầm. Kẻ nào giết được Ông Kẹ sẽ được thưởng tới 14 triệu đô la. Cả thế giới mafia sôi sục, phát sốt cả lên với bản hợp đồng này.
Parabellum mở đầu không chút do dự khi theo chân John Wick hối hả chạy trốn giữa một New York nhộn nhạo, với chú chó pitbull ngoan ngoãn bên cạnh. Dầu vậy dù tình thế có hiểm nghèo tới đâu, dù John Wick bị dồn đến đường cùng ngõ hẻm nào thì luôn có một lối thoát, một ai đó dang tay ra đón đợi và sẵn sàng giúp đỡ cho Wick nhờ những giao kèo ngày xưa.
Sau những màn rượt đuổi và chiến đấu tại New York, bộ phim đưa khán giả tới chi nhánh Continental tại thành phố Casablanca của Maroc. Tại đây, John Wick gặp gỡ Sofia (Halle Berry) rồi cùng nhau quậy banh nóc châu Phi dù ngôi sao của đoạn này là hai con chó chăn cừu Bỉ dữ như hổ mà Sofia nuôi nấng và huấn luyện.
Hành động dẫn tới hậu quả: Sai một ly khéo bị “đi” cả mạng
Chủ đề của phần 3 xoay quanh sự trả giá của các nhân vật cho hành động của mình. Với John Wick, đó là những ngày tháng sấp mặt để sinh tồn trước sự truy đuổi của Hội Đồng Tối Cao. Với Winston ông chủ khách sạn Continental New York, sự có mặt của người phán xử (không phải Phan Quân, nhầm vũ trụ rồi) đồng nghĩa với việc ông ta phải trả giá cho 1 tiếng đồng hồ cố tình để John Wick có thời gian chạy thoát.
Người phán xử của hội đồng cũng đã thăm viếng những ân nhân của John Wick để lần lượt kết tội và trừng phạt họ, chứng tỏ vị thế và những ràng buộc mà các thành viên thế giới ngầm buộc phải trung thành tuân theo. Không có gì quan trọng bằng việc tuân thủ theo luật, còn những kẻ dám phá luật như John Wick sẽ phải trả giá. Đại loại thông điệp bộ phim là thế.
Đặc sản cận chiến và đấu súng
Linh hồn của thương hiệu John Wick nằm trong các pha hành động đẹp mắt và chính xác. Với Parabellum, đạo diễn/ cựu diễn viên đóng thế Chad Stahelski tiếp tục đem tới những thước phim đỉnh cao với nhiều pha cận chiến, đấu súng, rượt đuổi mãn nhãn. Những thế võ đặc trưng của nhu thuật Brazil, judo, sambo hay arnis từ Philippines đã được chọn lọc và kết hợp khéo léo để không bị lấn át bởi súng đạn.
Một trong những điểm nhấn là cảnh John Wick lùa đám mafia vào chuồng ngựa và dùng mấy con ngựa đạp vỡ hàm nhiều gã, sau đó lại còn cưỡi ngựa ra đua với motor trên phố. Hoặc cảnh phim đấu súng cùng Sofia đã có sự đóng góp rất lớn từ hai con chó được huấn luyện tài tình, diễn ra vô cùng mượt mà đẹp mắt.
Tuy nhiên so với hai phần phim trước, những phân đoạn chiến đấu của Parabellum lại không có được sự mạch lạc và tiết tấu dồn dập, nhất là phân đoạn đấu kiếm gần cuối phim có mạch phim khó hiểu. Những lúc thế này, Chad Stahelski lại chọn cách đưa vào một vài chi tiết hài hước để thay đổi không khí phim. Với một số khán giả, điều này có tác dụng còn với số khác thì không.
Tham vọng của vũ trụ John Wick: cố quá hay quá lố?
Khi John Wick quyết định anh vẫn muốn sống tiếp trong phần cuối của Chapter 2, có lẽ Chad Stahelsko và Keanu Reeves đã chưa hình dung được thực sự Wick muốn gì và cần gì khi đem chiến tranh lây lan ra toàn cõi mafia. Rốt cuộc với Parabellum, động cơ của Wick đã không còn mạnh mẽ như các phần trước.
Cái chết của con cún, cái xe bị hỏng đã được trả thù. Giờ đây khi Wick đối mặt với án tử treo trên đầu, Parabellum chỉ đơn thuần là hành trình sinh tồn cho mục đích tưởng nhớ người vợ quá cố. Cái giá phải trả là gia đình bị vạ lây, bạn bè bị trừng phạt, đồng minh thì xa lánh. Liệu có đáng để làm điều đó hay không?
Các tuyến nhân vật mới và cũ đều gặp những vấn đề liên quan đến logic cư xử, từ tên sát thủ sushi cho tới hai đồ đệ “senpai notice me” của hắn, cho tới ông chủ khách sạn Continental nói nhiều làm ít và cả nhân vật bà chủ chi nhánh Maroc Sofia. Cuối cùng thì trong mắt của thế giới ngầm, John Wick là một Ông Kẹ đáng sợ giết người như ngóe hay chỉ là một cao nhân nổi tiếng để các bậc anh tài đến tỉ thí võ công rồi xin selfie cùng? Nhiều quyết định của các nhân vật khiến khán giả đặt câu hỏi vì chúng khá vô lý và mâu thuẫn.
Tất cả chỉ ra rằng khi mở rộng John Wick trở thành một thương hiệu (franchise) dài hơi (một dự án truyền hình về John Wick hiện đang được Keanu Reeves sản xuất), những điểm yếu nội tại của nó càng trở nên dễ thấy. Parabellum đã có thể tốt hơn nếu như được thực hiện với mục đích khép lại trilogy trọn vẹn về sát thủ huyền thoại thay vì là lời mở đầu cho một chương truyện mới - ầm ĩ hơn, khó tin và khó đồng cảm hơn - về John Wick. Hay nói một cách khác, Parabellum đã có thể đáng nhớ hơn, nếu John chỉ là một gã trả thù cho con chó của mình.