Copyright ® 2018 BiluTV ver 2.2 All Rights Reserved.
sitemap | album, series | liên hệ | phim mới
Ragnarok ám chỉ “tận cùng của vũ trụ”, đồng nghĩa với trận chiến sống còn của chín cõi (Nine Realms). Sau khi Loki Loki soán ngôi cha Odin, vị thần tinh quái này tiếp tục mở đường nhiễu loạn tiến từ cầu Bifrost vào trong Asgard.Ở bên kia vũ trụ, Thor (Chris Hemsworth) phải bước vào một cuộc chiến đầy khốc liệt với đối thủ mà anh sẽ gặp là một đồng đội cũ đến từ biệt đội Avenger – Hulk. Cuộc tìm kiếm sự sống còn của Thor khiến anh phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn Hela (Cate Blanchett) tiêu diệt cả thế giới anh đang sống cùng nền văn minh Asgard.
Phim bắt đầu khi Thor (Chris Hemsworth) trở về Asgards sau các sự kiện trong Thor: The Dark World. Thần Sấm phát hiện ra Loki (Tom Hiddleston) đang giả danh thành Odin (Anthony Hopkins) còn vua cha thì bị đày xuống trái đất. Hai anh em vừa tìm đến nơi là lúc Odin qua đời. Ông chả kịp để lại di chúc gì mà chỉ bảo có con rơi sắp tới đòi quyền thừa kế. Quả đúng vậy, chị cả Hela (Cate Blanchett) xuất hiện và hành cả Thor lẫn Loki "lên bờ xuống ruộng". Thor lạc qua Sakaar và phải trở thành đấu sĩ. May mắn thay, anh gặp lại Hulk (Mark Ruffalo) và cùng nhau âm mưu trở lại giải phóng Asgards.
Nghe có vẻ rắc rối quá phải không? Để mình rút gọn lại cho nhé. Ngày xửa ngày xưa có một đế quốc hùng mạnh nọ, nam chính tóc dài đi chinh phạt khắp nơi và được vua dự tính truyền ngôi. Ấy vậy mà vua vừa mất, phản diện đã táng sấp mặt nam chính tóc dài. Từ con cưng, nam chính tóc dài phải trở thành đấu sĩ đầu đinh. Đấu sĩ đầu đinh âm mưu cùng đồng nghiệp để lật đổ phản diện.
Nghe quen không? Đúng. Đây chính là cốt truyện của The Gladiator (2000) và Thor: Ragnarok cũng y chang. Dĩ nhiên, đạo diễn Taika Waititi đã thêm thắt chút mắm muối cho món ăn cũ này thêm hương vị. May mắn thay, phần nội dung của phim khá ổn chứ không hề thảm họa như người tiền nhiệm. Chứa đựng khá nhiều tình tiết nhưng nhịp phim ổn, cao trào và nút thắt trải dài nên không gây nhàm chán.
Thor có thể là siêu anh hùng mạnh nhất MCU nhưng hai phần phim của anh lại là mắt xích yếu nhất vũ trụ này. Phim siêu anh hùng vừa có yếu tố thần thoại, kết hợp với thuyết âm mưu và công nghệ hiện đại rồi còn thêm cả hài, tất cả tạo nên một nồi lẩu thập cảm khá khó nuốt. Có vẻ như trước những chỉ trích này, Marvel quyết định: "Bọn bây chê anh hài? Không. Anh sẽ lầy luôn cho tụi bây xem." Giờ đây, Thor: Ragnarok thành một phim hài chính hiệu, kết hợp thêm chút thần thoại, tí kinh dị, vài thuyết âm mưu và công nghệ hiện đại. Phần hài của phim được làm tới bến, lầy lội cả về lời thoại lẫn hành động.
Sau cú sốc Guardians of the Galaxy 2 hồi đầu năm, các fan có thể thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng Marvel đã biết làm hài tình huống thay vì mấy câu cãi nhau vô vị và nhạt nhẽo. Yếu tố gây hài lầy lội, châm biếm cả chính nhân vật và tình tiết phim xuất hiện xuyên suốt và cực kỳ bất ngờ trong mọi tình huống. Y như màn kịch do Matt Damon và ông anh nhà Hemsworth thủ vai trên Asgards lúc đầu phim, Thor: Ragnarok chính là một bản "parody" của chính loạt phim về Thần Sấm. Những chi tiết như pha Hulk tẩn Loki hay tính cách ngu ngơ của Thor được đem ra tấu hài cực kỳ duyên dáng.
Cùng với sự ra đi của mái tóc, Thor cũng đã trưởng thành hơn. Thay vì thở ra những câu ngô nghê, gây hài, anh chàng nay đã biết "thả thính" cả trai lẫn gái. Không chỉ chín chắn trong tính cách, Thần Sấm cũng sáng suốt trong cách suy nghĩ. Anh không còn bị Loki dắt mũi nữa mà còn lừa lại thằng em nuôi này.
Cắt tóc giúp con người ta thông minh lên là có thật?
Bù lại, Loki trong phim bị "hành ra bã". Phép thì bị Doctor Strange lùa như vịt. Lừa lọc thì bị Thor xỏ mũi. Đánh nhau thì bị hết Hela tới Valkyrie nện cho một trận. Chưa kể nỗi đau bị anh khổng lồ xanh đứng bên cạnh vẫn chưa nguôi ngoai khiến "anh Lố" chả thể hiện được nhiều.
Nhân vật Valkyrie mới xuất hiện khá thú vị khi cân bằng được yếu tố cảm xúc và sự mạnh mẽ, độc lập. Có lẽ vì thế mà chả ai thèm nhớ tới cô nữ chính nhạt nhẽo Jane Foster (Natalie Portman). Và cũng chẳng ai bận tâm ném đá vì sao phim giết luôn cả bộ ba chiến binh và nàng Sif thì bốc hơi như chưa từng tồn tại. Giỡn à? Cách đây 2-3 năm mọi người còn phát cuồng vì cô này cơ mà?
Xin chào, mọi người còn nhớ tôi không?
Tránh, sân khấu từ giờ là của Valkyrie nhé!
Tuyến phản diện có lẽ là thứ mà fan trông đợi nhất trong phim, đặc biệt là khi thêm một chúa Tiên nữa của Trung Địa sa ngã làm ác nhân trong MCU. Về mảng diễn xuất và đi catwalk thì Cate Blanchett thuộc hàng vô đối của phim. Dĩ nhiên, cô cũng biết kể chuyện hài bằng chất giọng Anh sặc mùi châm biếm. Đáng tiếc là càng về cuối phim Hela càng đuối như minh chứng cho việc Marvel chưa thể nào làm tốt tuyến phản diện.
Skurge do tài tử Karl Urban thủ vai cũng chả khá khẩm hơn với tính cách nhạt nhẽo và mâu thuẫn từ đầu tới cuối. Gương mặt bặm trợn của Éomer và thẩm phán Dredd không thể vào vai nhát chết được rồi.
Màn cameo của Doctor Strange thì chất khỏi nói. Odin đúng chất "cha thiên hạ" khi phản diện nào lòi ra cũng là con của ông hết. Có khi nào Malekith cũng là con rơi của Odin? Thor chắc sẽ tiếp bước Star Wars khi chuyện nhà của lão thần Bắc Âu này là nguyên nhân gây chiến toàn vũ trụ. Grandmaster thì khá nhí nhố và có tính cách đối lập với The Collector xuất hiện cách đây ít lâu. Tuy nhiên, nhân vật này vẫn chưa toát ra được dáng vẻ của top tài phú trong MCU cho lắm.
Nhắc đến kỹ xảo và hành động thì người viết chỉ lời khuyên là các bạn nên đi xem 3D hoặc IMAX để cảm nhận được sự hoành tráng của phim. Kỹ xảo choáng ngợp, màu sắc rực rỡ,chiến đấu hoành tráng là những từ để miêu tả về Thor: Ragnarok. So với phim này, Guardians of the Galaxy 2 chỉ là đồ trẻ con. Cả Fenrir lẫn Surtur đều chân thật với kích cỡ khổng lồ của mình. Cảnh chiến đấu trong phim thì mãn nhãn khỏi bàn. Thor không còn đánh nhau theo phong cách trâu bò húc nhau nữa mà có đòn thế rõ ràng. Các trường đoạn hành động được đầu tư kỹ lưỡng, kết hợp với những pha slow-motion và nền nhạc tuyệt vời khiến phim trở thành một bữa tiệc giải trí đầy màu sắc.